Giai đoạn 1945-1954 Nhạc_đỏ

Đây là giai đoạn khởi đầu của dòng tân nhạc cách mạng, tuy vậy những tác phẩm ưu tú nhất cũng đã xuất hiện trong thời kì này. 2 nhóm sáng tác có ảnh hưởng mạnh mẽ đầu tiên phải kể đến là Nhóm Tổng Hội Sinh Viên do Lưu Hữu Phước sáng lập và Nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quý sáng lập. 2 nhóm này quy tụ nhiều nhạc sĩ nổi danh đương thời như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Canh Thân...

Tiếp đó là những nhạc sĩ tuy không gia nhập nhóm nào, nhưng đã theo kháng chiến và sáng tác nhạc phục vụ kháng chiến như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Tô Vũ, Tô Hải, Lê Trực (Hoàng Việt), Ngọc Bích...Và âm nhạc của giai đoạn này cũng đã chuyển biến theo hướng mới, ca khúc thường có nội dung sáng sủa, hùng mạnh hoặc bi tráng, gần gũi với hiện thực.

Nhạc sĩ sáng tác dồi dào và cũng gặt hái nhiều thành công nhất trong giai đoạn này là Phạm Duy với những ca khúc nhạc hùng, nhạc kêu gọi, chiêu hồi, hoặc là mang đậm chất dân ca và nói lên suy nghĩ của tầng lớp thanh niên đi kháng chiến, cũng như đi thẳng vào đời sống người dân trước cuộc chiến. Theo Hoàng Cầm, Phạm Duy là "số một" tại Việt Bắc lúc bấy giờ. Tuy vậy cũng chính Phạm Duy là người bị phê bình vì những ca khúc buồn, và cuối cùng là bị cách mạng cấm phổ biến sau khi ông rời bỏ chiến khu về thành.

Một số ca khúc tiêu biểu của thời kì này: Nhạc tuổi xanh, Đường về quê, Đường Lạng Sơn, Bên ni bên tê, Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ anh lấy được đồn Tây, Về miền trung, Chiến sĩ vô danh, Nương chiều, Bông Lau rừng xanh pha máu, Việt Bắc, Xuất quân, Thanh niên ca... (Phạm Duy), Tiến quân ca, Bắc Sơn, Gò đống đa, Trường ca Sông Lô, Làng tôi, Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam... (Văn Cao), Du kích Ba Tơ (Dương Minh Viên), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Đoàn vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu), Lời người ra đi (Trần Hoàn),...

Nhạc cách mạng vào giai đoạn này tuy đang đi vào lề lối cách mạng, nhưng vẫn còn mang những tình cảm lãng mạn của thời tiền chiến. Các nhạc sĩ thường sáng tác dựa trên tình yêu nước thương nòi, lấy chất liệu từ hiện thực, hơn là từ lý tưởng cách mạng. Cho đến khi các cuộc hội nghị quan trọng về văn nghệ vào năm 1949 và sau đó là Hội nghị Việt Bắc 1950, đưa ra chủ trương, khuôn khổ cho các nhạc sĩ sáng tác theo đường lối tư tưởng của Đảng, thì dòng nhạc cách mạng cũng chuẩn bị bước thay đổi rõ rệt. Nhiều nhạc sĩ nổi bật của phong trào do không chấp nhận thay đổi, đã rời bỏ kháng chiến như Phạm Duy, Ngọc Bích, Phạm Đình Chương... Đồng thời có những nhạc sĩ ở lại tiếp tục sáng tác như Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Tô Hải, Nguyễn Văn Tý..., cũng như một số nhạc sĩ trẻ đi theo kháng chiến từ năm 1946, bắt đầu sáng tác trong kháng chiến như Hoàng Vân, Hoàng Việt... những nhạc sĩ này sẽ trở thành những tác giả chủ lực của nền tân nhạc cách mạng ở giai đoạn tiếp theo, giai đoạn sau hiệp định Geneve.